Nguyên tắc cộng đồng YouTube

YouTube có một chính sách nhất định gồm những nguyên tắc cho cộng đồng nhằm giảm sự lạm dụng trang web. Các nội dung bị cấm thường là nội dung mang tính khiêu dâm, video ngược đãi động vật, video gây sốc, nội dung được tải lên mà không có sự đồng ý của chủ bản quyền, ngôn từ kích động, quấy rối hay bạo lực (liên quan đến chiến tranh, xung đột chínn trị, thiên tai, bi kịch), mạo danh, đe dọa và spam.[168][169] Bất chấp các nguyên tắc trên, YouTube phải đối mặt với chỉ trích từ các nguồn tin về nội dung vi phạm chính sách.

Nội dung có bản quyền

Ví dụ về video vi phạm bản quyền. Một dòng chữ "[Tên video...] – Video này không hoạt động do có khiếu nại bản quyền từ [tên công ty, hãng thu,...]" hiện lên khi truy cập vào video.

Trước đây, khi chuẩn bị tải lên một video, người dùng YouTube nhận một lời nhắc tránh vi phạm bản quyền.[170] Dù vậy có nhiều video trái phép bản quyền được đăng tải lên YouTube. YouTube không xem xét video trước khi video đó được đăng công khai, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm bản quyền, chủ bản quyền sẽ thông báo gỡ video xuống theo Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA). Ba cảnh cáo vi phạm bản quyền đến với người dùng dẫn đến việc việc tài khoản và tất cả video của người dùng đó sẽ bị chấm dứt.[171][172] Viacom, MediasetGiải Ngoại hạng Anh từng nộp đơn kiện YouTube vì trang web không thể chặn số lượng lớn video sử dụng nội dung có bản quyền của họ một cách trái phép.[173][174][175] Viacom đã yêu cầu YouTube bồi thường ít nhất 1 tỷ đô la sau khi họ tìm thấy hơn 150.000 video chứa bản quyền của mình được đăng tải lên YouTube, tất cả những video được xem tổng cộng 1,5 tỷ lần. YouTube đã đáp lại bằng cách cho rằng điều này vượt xa giới hạn các nghĩa vụ pháp lý của công ty trong việc hỗ trợ chủ sở hữu bản quyền bảo vệ tác phẩm của họ.[176]

Trong cùng một phiên tòa, Viacom đã thắng phán quyết của tòa án yêu cầu YouTube phải trao 12 terabyte (tương đương với 12,288 gigabyte) từ cơ sở dữ liệu nhật ký về thói quen xem video của người dùng trên trang web. Quyết định này bị chỉ trích bởi Tổ chức Biên giới Điện tử, cho rằng phán quyết của tòa là xâm phạm quyền riêng tư.[177][178] Vào tháng 6 năm 2010, vụ kiện của Viacom đối với Google bị từ chối trong một bản án, Thẩm phán liên bang Hoa Kỳ Louis L. Stanton tuyên bố Google được bảo vệ bởi các điều khoản của DMCA. Viacom kháng cáo lại phán quyết này.[179] Vào ngày 5 tháng 4 năm 2012, Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ cho phép vụ kiện được xét xử lại tại tòa.[180] Vào ngày 18 tháng 3 năm 2014, Viacom hòa giải và dừng vụ kiện sau bảy năm.[181]

Vào tháng 4 năm 2012, một tòa án tại Hamburg của Đức đã phán quyết YouTube có thể phải chịu trách nhiệm cho các nội dung có bản quyền được đăng bởi người dùng. Tổ chức quyền âm nhạc GEMA lập luận YouTube đã không ngăn chặn hết những video chứa nhạc có bản quyền của quốc gia này. YouTube đáp lại:

Chúng tôi cam kết sẽ tìm giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc ở Đức để giúp ích cho các ca sĩ, nhạc sĩ, tác giả, nhà sản xuất và hãng thu âm, cũng như cộng đồng YouTube rộng lớn.[182]

Content ID

Vào tháng 6 năm 2007, YouTube bắt đầu thử nghiệm một hệ thống tự nhận diện các video vi phạm bản quyền, gọi là "Content ID". Giám đốc điều hành của Google, Eric Schmidt, nhận xét hệ thống này là cần thiết để giải quyết các vụ kiện trong tương lai.[183] Hệ thống ban đầu dược đặt tên "Video Identification"[184] cho đến khi được gọi là Content ID,[185] hệ thống này tạo một tệp tham chiếu cho âm thanh và video có bản quyền, sau đó đưa nó vào cơ sở dữ liệu. Khi một video được tải lên, Content ID sẽ quét video đó và đối chiếu với tệp trong cơ sở dữ liệu, nếu trùng khớp, video đó được đánh dấu là vi phạm bản quyền.[186] Sau đó, chủ bản quyền có lựa chọn chặn và gỡ bỏ video vi phạm, hay chạy quảng cáo lên video và kiếm tiền từ video đó, hoặc theo dõi số liệu phân tích lượt xem của video. Những người đáp ứng đủ tiêu chí cụ thể mới có quyền sử dụng Content ID.[186]

Năm 2016, Google cho biết công ty đã chi ra 60 triệu đô la để phát triển Content ID và đã trả hơn 2 tỷ đô cho người giữ bản quyền, gấp 2 lần so với năm 2014.[187][188] Vào năm 2018, phí phát triển hệ thống này tăng lên 100 triệu đô,[189] cùng với đó là khoảng 3 tỷ đô đã trả cho bên giữ bản quyền.[187] Mùa hè cùng năm, Google ra mắt "Copyright Match", một công cụ tương đương với Content ID, dành cho những kênh có hơn 100.000 lượt đăng ký.[190] Khác với Content ID là gửi thông báo video vi phạm đến chủ bản quyền, Copyright Match quét tất cả video trùng khớp với video gốc của người giữ bản quyền, và cho họ tùy chọn liên lạc với người tải lên hoặc yêu cầu YouTube gỡ video đó xuống. Một thử nghiệm tải lên nhiều phiên bản của một bài hát vào năm 2009 cho thấy Content ID hoạt động tốt trong việc tìm kiếm các video vi phạm bản quyền.[191]

Việc sử dụng hệ thống tự động Content ID để gỡ bỏ các video dẫn đến nhiều tranh cãi, vì một số video không được kiểm tra đã được sử dụng hợp lý hay chưa.[192] Nếu người dùng không không đồng ý với quyết định của Content ID, họ có thể điền vào một biểu mẫu tranh chấp này gửi đến chủ sở hữu bản quyền và phản hồi trong 30 ngày.[193] Trước năm 2016, người dùng không thể kiếm tiền đến khi cuộc tranh chấp được giải quyết. Kể từ tháng 4 năm 2016, video có thể được kiếm tiền trong cuộc tranh chấp và tiền sẽ về tay người thắng.[194] Nếu người dùng muốn kiếm tiền từ video lần nữa, họ có thể tắt tiếng trong Trình quản lý video.[195] YouTube công nhận tính hiệu quả của Content ID là một trong những lý do khiến quy tắc của trang web phải sửa đổi lại vào tháng 12 năm 2010 để cho phép người dùng tải lên có thời lượng không giới hạn.[196]

Ngành công nghiệp âm nhạc nhận xét Content ID hoạt động không hiệu quả, đôi khi nó có thể bị "hỏng". Universal Music Publishing Group (UPMG) cho biết Content ID để lọt khoảng 40% các video vi phạm bản quyền của UPMG trên YouTube".[188][197] Google phản bác lại nhận định này tuyên bố hệ thống Content ID chặn được khoảng 98% các video vi phạm bản quyền trong khi để con người làm điều này thì chỉ 2%.[188] Vào tháng 12 năm 2018, một người dùng tên Ramjets đã lợi dụng hệ thống này để tố cáo bản quyền TheFatRat bài hát "The Calling", mà thực tế do chính anh sáng tác, nghệ sĩ người Đức đã nhận khiếu nại về vi phạm bản quyền và mất số thu nhập từ video trên do về tay người tố cáo.[198] Vài ngày sau, TheFatRat cho biết video của anh được phục hồi cùng với kênh của Ramjets biến mất.[199]

Video gây tranh cãi

Video gây tranh cãi là những video gây nên sự tranh cãi xung quanh một nội dung mà nó hướng đến, như bạo lực, xúc phạm, khiêu dâm, hận thù... YouTube đã đối mặt với những chỉ trích về việc xử lý các video gây khó chịu. Tải lên các video có nội dung độc hại bị cấm theo Nguyên tắc cộng đồng của YouTube.[168] YouTube dựa vào báo cáo của người dùng về một video bị gắn cờ, nhân viên của họ sẽ xác định liệu video đó có vi phạm các nguyên tắc hay không.[168]

Vào ngày 6 tháng 4 năm 2017, YouTube thông báo họ đảm bảo "doanh thu chỉ vào tay những người sáng tạo nội dung chơi theo luật", công ty yêu cầu kênh của người dùng phải tuân thủ tốt chính sách đến khi có ít nhất 10.000 lượt xem, họ có thể tham gia Chương trình đối tác của YouTube.[200]

YouTube từng công bố siết chặt chính sách hơn cho Chương trình đối tác vào 16 tháng 1 năm 2018 để xác định người sáng tạo đóng góp tích cực cho cộng đồng. Theo đó, các kênh có ít nhất 4.000 giờ xem trong vòng 12 tháng qua và 1.000 lượt đăng ký mới có thể kiếm tiền. Các video cho chương trình Google Preferred sẽ được phê duyệt để xếp hạng video đó dựa trên mức độ phù hợp.[201][202][203] Việc thay đổi chính sách theo cách này dẫn đến sự chỉ trích từ các kênh YouTube độc lập, họ cho rằng thuật toán của YouTube đang tạo sự nổi bật cho các nội dung được sản xuất chuyên nghiệp (như video âm nhạc và các chương trình trò chuyện đêm khuya), thu hút lượng người xem rộng và có nguy cơ loại bỏ các nhà quảng cáo, chi phí của những người sáng tạo chuyên nghiệp đã góp phần tăng sự phổ biến cho trang web.[204][205]

Bảo vệ trẻ em

Trong tháng 11 năm 2017, giới truyền thông báo cáo một lượng lớn video có sự góp mặt của trẻ em, thường hiển thị nội dung bình thường như chơi đồ chơi hoặc biểu diễn dụng cụ thể dục – đã thu hút nhiều bình luận từ những cá nhân ấu dâm với tính "săn mồi"[206][207] thường lưu video qua một danh sách phát riêng tư hoặc nhập một số từ khóa bằng tiếng Nga.[207] Các video chỉ hướng trung tâm đến trẻ em bắt đầu lan truyền trên những trang web tối và các diễn đàn của nhiều cá nhân ấu dâm. Năm 2017, YouTube thông báo thời gian xem các video vlog về chủ đề gia đình đã tăng lên 90%.[208][209] Với lượng lớn video về trẻ em càng tăng, YouTube bắt đầu xảy ra các cuộc tranh cãi và chỉ trích về sự an toàn cho trẻ em tránh khỏi các nội dung xấu trên trang web.[210]

Cuối năm 2017, YouTube đã bị chỉ trích vì hiển thị nội dung không phù hợp cho trẻ em và thường chứa cảnh người nổi tiếng xuất hiện trong các tình huống bạo lực hay gây rối tình dục, nhiều trong số đó thu hút hàng triệu lượt xem và xuất hiện tràn lan trên YouTube Kids, một ứng dụng của youtube vốn chỉ dành cho trẻ em. "Elsagate" được ngành báo chí xem là thuật ngữ trên Internet đề cập đến tất cả cuộc tranh cãi về chủ đề này.[211][212][213][214] Vào ngày 11 tháng 11 năm 2017, YouTube cho biết họ cố gắng tăng cường bảo mật trang web để bảo vệ trẻ em khỏi nội dung xấu. Cuối tháng, công ty bắt đầu xóa hàng loạt video và các kênh có video không thân thiện với gia đình. Trẻ em cũng tham gia vào các hoạt động xấu hay nguy hiểm dưới sự chỉ dẫn của người lớn. Đáng chú ý nhất là công ty đã loại bỏ kênh Toy Freaks, sở hữu hơn 8,5 triệu người đăng ký, nội dung thường là một người cha cùng hai cô con gái làm những tình huống kỳ quặc và khó chịu.[215][216][217][218][219] Theo số liệu phân tích từ Social Blade, kênh này kiếm được khoảng 8,7 triệu bảng Anh mỗi năm trước khi bị chấm dứt.[220]

Đầu năm 2019, YouTube thay đổi chính sách về các trào lưu, trò đùa, thử thách có thể gây tổn thất nghiêm trọng về mặt thể xác (như Tide Pod Challenge, thách thức người chơi uống viên nước giặt của hãng Tide) từ "không khuyến khích" sang "cấm chính thức" các nội dung trên.[221] Chúng được cho dễ gây hại về mặt cảm xúc của trẻ em.[221][222]

Nội dung khai thác ấu dâm từ trẻ em

Vào tháng 12 năm 2018, The Times phát hiện hơn 100 trường hợp thao túng trẻ em thực hiện hành vi liên quan đến tình dục (như khỏa thân). Một phóng viên đã gắn cờ các video, nhưng chỉ một nửa trong tổng số chúng biến mất.[223] Phần còn lại đã bị xóa sau khi The Times liên hệ với bộ phận của YouTube.[223]

Vào tháng 2 năm 2019, vlogger Matt Watson xác định một "lỗ hổng" khiến thuật toán của YouTube đề xuất cho người xem nội dung tình dục về trẻ em và làm hệ thống chỉ đề xuất mỗi loại nội dung này. Hầu hết các video này có nhận xét ​​kèm dấu thời gian (timestamp) khi nào "cảnh đó" sẽ xuất hiện với trẻ em từ những cá nhân ấu dâm. Trường hợp khác, người dùng tải lại và đăng lên những video thuộc nội dung này, liên kết video liên quan ở dưới, sau đó kiếm tiền từ nó.[224] Ghi nhận các vụ tranh cãi, YouTube đã xóa hơn 400 kênh và hàng chục triệu bình luận chứa nội dung tình dục, đồng thời báo cáo những người dùng vi phạm đến cơ quan pháp luật Trung tâm quốc gia về trẻ bị mất tích và bóc lột (NCMEC). Người phát ngôn của công ty giải thích: "Bất kỳ nội dung nào – gồm cả nhận xét – gây nguy hiểm cho trẻ vị thành niên được xem là kinh tởm và chúng tôi có chính sách rõ ràng cấm trường hợp này trên YouTube. Còn nhiều việc phải thi hành và chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện, nhanh chóng thâu tóm nội dung lạm dụng".[225][226] Bất chấp phát ngôn này, AT&T, Disney, Dr. Oetker, Epic Games, và Nestlé đã tạm dừng quảng cáo của họ trên YouTube.[224][227]

YouTube bắt đầu chặn quảng cáo trên các loại video thu hút những bình luận kích dục. Công ty giải thích đây là một biện pháp tạm thời để họ tìm ra các phương pháp khác loại bỏ vấn đề này.[228] YouTube cũng bắt đầu chấm dứt các kênh chủ yếu về trẻ em và vô hiệu hóa phần nhận xét. Những "đối tác đáng tin cậy" có thể yêu cầu bật lại tính năng bình luận, song họ phải chịu trách nhiệm kiểm duyệt bình luận. Hành động này nhằm đảm bảo nếu người xem video là trẻ mới biết đi. YouTube cho biết họ cũng đang triển khai một hệ thống có thể xóa các nhận xét ấu dâm trên kênh.[229][230]

Nhận xét

Hầu hết các video cho phép người dùng để lại nhận xét, nhưng các khía cạnh tiêu cực, không phù hợp cũng hướng đến hình thức nội dung mà họ viết. Google trao lại cho người dùng một công cụ để quản lý và lọc nhận xét.[231] Những nhận xét xấu thường được báo cáo và bị YouTube xóa. Đầu năm 2019, YouTube vô hiệu hóa phần Nhận xét hầu hết trên các video có nội dung về trẻ vị thành niên, nhằm ngăn chặn những ý kiến mang tính kích dục.[232]

Vào năm 2006, tạp chí Time đã ca ngợi thế hệ Web 2.0 vì cho phép "cộng đồng cộng tác trên quy mô chưa từng thấy" và cho rằng YouTube đang khai thác "sự ngu ngốc" và "sự khôn ngoan" của đám đông. Một số ý kiến trên YouTube không bao giờ bận tâm đến "sự tục tĩu" và "hận thù".[233] The Guardian đã chỉ trích nhận xét của người dùng YouTube vào năm 2009 là "hung hăng", "sai chính tả", "phân biệt giới tính" và sử dụng từ ngữ "vô nghĩa", các bình luận trên YouTube được tờ nhật báo miêu tả là một "cuộc tranh luận sôi nổi".[234] Vào tháng 9 năm 2008, tờ The Daily Telegraph đã bình luận YouTube "khét tiếng" vì những nhận xét mang tính "đối đầu",[235] trong khi The Huffington Post cho rằng các nhận xét trên YouTube dễ "xúc phạm", "ngu ngốc và thô bỉ".[236]

Triển khai thuật toán

Vào giữa tháng 3 năm 2018, YouTube cho biết hệ thống của họ sẽ tự động thêm các hộp thông tin vào video mà thuật toán của hệ thống cho là có thể đưa ra các lý thuyết âm mưu và tin tức giả mạo, hộp thông tin này liên kết đến Encyclopedia BritannicaWikipedia, nhằm giảm thiểu việc truyền bá thông tin sai lệch mà không ảnh hưởng đến sự tự do ngôn luận.[237] Sau vụ hỏa hoạn nhà thờ Đức Bà tại Paris vào ngày 15 tháng 4 năm 2019, một số video do người dùng tải lên về vụ cháy được YouTube liên kết đến sự kiện 11 tháng 9 trên Encyclopedia Britannica. Một số người dùng đã phàn nàn với YouTube về sai lầm này, họ xin lỗi và cho biết thuật toán đã xác định nhầm thông tin.[238]

Năm nhà sáng tạo nội dung hàng đầu sở hữu các kênh thuộc LGBTQ+ đã đệ đơn kiện YouTube vào tháng 8 năm 2019, cho biết thuật toán của công ty làm ảnh hưởng đến doanh thu của họ. Nguyên đơn tuyên bố thuật toán đã ngăn chặn và hạn chế các nội dung của họ chứa từ như "gay" (đồng tính nam) hay '"lesbian" (đồng tính nữ), họ cho rằng YouTube đang nắm giữ vị trí quyền lực trong dịch vụ chia sẻ video và công ty đang lạm dụng vị trí đó.[239]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: YouTube http://www.eurekastreet.com.au/article.aspx?aeid=1... http://www.news.com.au/technology/meet-youtubes-22... http://www.theage.com.au/news/Business/Google-clos... http://www.theage.com.au/news/Busness/Google-close... http://www.theage.com.au/news/Technology/Turkey-re... http://globalnews.ca/news/2616449/north-korea-blac... http://africa.chinadaily.com.cn/travel/2013-12/28/... http://www.2bangkok.com/blockedyoutube.shtml http://pshweb01.881903.com/apps/news/html/news/200... http://adage.com/digital/article.php?article_id=11...